THIỀN TỊNH MẬT


Phương pháp tu tập đặc thù của Đạo Phật Việt

Như Hùng

Đạo Phật thấm nhuần trong tâm thức, đời sống của người dân Việt trãi qua mấy ngàn năm. Trong suốt chặng đuờng có mặt ấy, Phật Việt đồng hành với Dân Việt trong mọi hoàn cảnh bi hùng, từ vận nước vận dân đến sinh mệnh ý mệnh, từ thống khổ điêu linh đến huy hoàng rực rỡ, đâu đó đều có sự hiện hữu cùng khắp, tạo nên quốc hồn quốc túy cho Dân tộc. Là sức mạnh tâm linh khai phóng, tinh thần nhân bản từ bi giải thoát, nối kết cá nhân gia đình với quốc gia xã hội trong tinh thần giác ngộ. Từ suy tư đến hành động, từ tận cùng thẳm sâu đến chuyển động vi tế của tâm thức, đều được nuôi dưỡng bởi hạt giống trí tuệ, hạt mầm của tỉnh thức. Tâm nguyện cứu mình cứu người, hồi hướng đến tất cả cho chúng sanh, quyết không an hưởng sự chứng đắc cho riêng mình, dù đó quả vị cao siêu của niết bàn an lạc, vì chúng sanh phát đại nguyện, cam nhẫn kham chịu dù cho khổ đau ngang trái phủ đầy. Đó cũng là lý tưởng cùng hạnh nguyện siêu thoát, đầy ý nghĩa về sự có mặt của Đạo Phật Việt.

Thiền, Tịnh, Mật là sự kết hợp tuyệt vời, trở thành bản sắc độc đáo trong truyền thống tu tập cuả Đạo Phật Việt. Đó là con đường thực hành bi nguyện độ sanh, lý tưởng giải thoát của Bồ Tát, dấn thân đi vào cuộc đời chuyển hoá phiền não khổ đau, mang an lạc đến cho chúng sanh, lấy phước huệ song tu làm sự nghiệp. Hạnh nguyện và lý tưởng giác ngộ đó, được thành tựu từ nơi cuộc đời, từ trong đau khổ triền miên của chúng sinh, ngoài điều nầy ra giác ngộ không còn ý nghĩa. Muốn giác ngộ phải đi vào cuộc đời, thân lăn xả tâm chứng nghiệm, niết bàn an lạc cũng từ trong phiền não khổ đau mới có được. Chính từ nơi đau khổ ấy, mới cần đến suối nguồn tâm linh vi diệu, cần đến sự cứu độ giải thoát. Sự tồn tại và tiếp nối của đạo Phật là đem từ bi trí tuệ chan hoà khắp muôn nơi, để cho từ tâm, đại bi tâm, giác ngộ tâm được dịp vươn cao trỗi dậy, ánh sáng trí tuệ an lạc chiếu rọi trên từng hiện hữu, thể nhập trọn vẹn nơi cuộc đời vì cuộc đời và cho cuộc đời.

Tâm lực giải thoát đó, mở rộng cho ta phương trời thong dong tự tạị, mà phiền não khổ đau không làm hề hấn. Lấy phụng sự chúng sanh làm đạo nghiệp giải thoát, khiến ta có đủ năng lực mở tung cánh cửa mầu nhiệm. Chỉ có ý lực, tâm lực, nguyện lực và đạo lực, khiến ta đủ công năng gắng sức hoàn thành sứ mệnh độ sanh. Lấy sự đau khổ thường trực của chúng sinh làm bi nguyện lên đường dấn thân, lấy sự bất an của muôn loài làm tâm lực phụng sự, lấy nhân quả nghiệp lực luân hồi sinh tử làm hành trang nuôi dưỡng đạo lực, lấy sự giải phóng thoát khổ cho chúng sanh làm nguyện lực hoàn thành sứ mệnh cứu độ. Có như thế ta mới liên tục thắp sáng hiện hữu, mới đủ năng lực phá vỡ phiền não chuyển hoá khổ đau, đạt đến an lạc giải thoát ngay trong cuộc đời nầy.

Sự kết hợp tu tập ấy, dẫn dắt ta trong từng suy tư và hành động, khiến ta biết gạt bỏ tham sân si và vô minh ra ngoài, tìm đến sự an tịnh giải thoát. Thiền tông có sẵn tịnh và mật, Mật tông có thiền và tịnh, Tịnh độ có thiền và mật. Mới nhìn vào thấy có sự phân chia, nhưng thật ra trong đó sự kết hợp rất vi diệu rõ nét. Thời khoá tu tập hằng ngày ở chùa như sau: Buổi khuya sau khi thức dậy: Hô Canh, Ngồi Thiền, sau đó thỉnh Đại Hồng Chung, nguyện cầu âm siêu dương thịnh, kế đến công phu khuya, tụng Kinh Lăng Nghiêm, gồm có năm đệ mười chú. Buổi trưa: Cúng Ngọ, Quá Đường, Kinh Hành Niệm Phật. Buổi chiều: Công phu chiều, Mông Sơn Thí Thực, dâng cúng thực phẩm đến thập loại cô hồn, nhờ thần lực của chư Phật, Bồ Tát, chúng sanh ấy có được một bửa ăn no đủ. Buổi tối: Thỉnh Đại Hồng Chung, khoá lễ Tịnh Độ, trước khi đi ngủ Hô Canh, ngồi Thiền. Chúng ta mở cuốn Kinh Nhật Tụng, quan sát thật kỷ ta thấy sự kết hợp ấy có trong từng thời khoá tu tập, không lẫn lộn vào đâu được. Ta tụng chú Đại Bi ( Mật), kinh A Di Dà, Niệm Phật (Tịnh Độ), Bát Nhã Tâm Kinh (Thiền).v.v…Nhờ thiền định làm cho ta sáng dạ minh tâm đạt được chánh định, nhờ niệm Phật ta mới an lạc trong từng phút giây bận rộn của đời sống. Mật tông giúp ta mau tiêu trừ nghiệp chướng, bởi thần chú của chư Phật chư Bồ Tát có năng lực vô cùng nhiệm mầu, nếu không nương vào oai lực ấy liệu ta có đủ năng lực phá bỏ vô minh, nghiệp lực mà ta huân tập sâu dày từ trong vô lượng kiếp. Nếu chỉ chuyên tu về Thiền hoặc Mật Tông, thì cần phải có thời gian lẫn không gian, trong khi chúng ta chưa hội đủ điều đó, vì chúng ta ai cũng phải lo chuyện mưu sinh, lo chuyên áo cơm hằng ngày, tương quan cá nhân gia đình xã hội chiếm hầu hết thời giờ của ta, thời gian còn lại để tu tập thật là ít ỏi. Vậy ta phải làm sao tu trong mọi cảnh, trong sự chi phối của từng nghiệp quả số phận, còn nếu chờ đến mai sau khi ta được thư thả, liệu ngày mai ấy nó có đến với ta không, khi tuổi già sức yếu vô thường khổ đau bệnh tật luôn phiên thăm viếng. Khi ta đã nhận thức và quyết chí tu, đừng chần chờ nữa, phải tu ngay từ bây giờ, ngay hiện tại này, phải liên tục tu trong từng mỗi sát na hơi thở, nếu không khi vô thường đến, mọi thứ đều trở nên muộn màng.

Trong lịch sử của Phật Giáo Việt Nam không có duy nhất một tông phái nào, tất cả hài hoà kết nối với nhau để phụng sự chúng sanh với mục tiêu và lý tưởng giác ngộ. Tâm nguyện đó vẫn nhịp bước lớn dần theo thời gian, vang vọng trong từng lời kinh, hoà nhập cùng tiếng chuông nhịp mõ, nhẹ nhàng an tịnh cả ngày lẫn đêm. Từ mê mờ đến tỉnh thức, từ phiền não khổ đau đến hạnh phúc an lạc, từ mộng huyễn tử sinh đến thường hằng giác ngộ, từ vô thủy đến vô chung, gõ nhịp theo từng chuyển động của thời gian lẫn không gian, ngự mãi trong luân chuyển vô cùng. Lời kinh vang vọng trong cõi tử sinh, thôi thúc nhắc nhở ta nhận biết thế giới hư ảo nầy chỉ là cõi tạm, thân tứ đại có ngày trở về nơi cát bụi, phải ra công gắng sức để đạt được giác ngộ ngay đây và bây giờ, đưa đường dẫn lối cho ta từ ngàn năm trước đến tận ngàn sau.

Thiền

Tổ khai sáng Thiền Việt Nam là Khương Tăng Hội. Vào đầu thế kỷ thứ ba, ngài đã soạn Lục Độ Tập Kinh, viết lời tựa trong Kinh An Ban Thủ Ý và Kinh Pháp Cảnh, chú sớ và đề tựa Kinh Đạo Thọ, biên tập Kinh Lục Độ Yếu Mục, Kinh Nê Hoàn Phạm Bối, và một dịch phẩm là Ngô Phẩm ( Đạo Hành Bát Nhã) cả ba cuốn kinh ấy không còn nữa. Ngài phát huy thiền học theo tinh thần Đại Thừa. Trong bài tựa của Kinh An Ban Thủ Ý ngài viết ” An Ban tức là Đại Thừa của chư Phật để tế độ cho chúng sanh đang phiêu trầm sanh tử.” Khương Tăng Hội định nghĩa về tâm như sau: ” không có hình, không có tiếng, không có trước, không có sau, thâm diệu, vi tế, không có tóc tơ hình thức; Phạm Thiên Đế Thích và tiên thánh cũng không thấy rõ được; những hạt giống của tâm khi thì ẩn khi thì hiện, cái nầy hoá sinh thành cái kia, người phàm không thể thấy được; đó gọi là ấm.”

Trong Lục Độ Tập Kinh, ngài đề cập đến bốn trình tự của thiền:

” Phương Pháp Thực Hành Của Nhất Thiền: khử bỏ tham ái, ngũ yêu tà sự, như khi mắt thấy sắc đẹp tâm sinh dâm cuồng, khử bỏ những thanh, hương vị và xúc thường gây tai hại. Người có chí hành đạo ắt phải xa lánh chúng. Lại còn phải diệt trừ năm sự ngăn che: sự tham dục, sự giận dữ, sự mê ngủ, sự dâm lạc và sự hối hận nghi ngờ. Đối với những vấn đề như có đạo hay không có đạo, có Phật hay không có Phật, có kinh hay không có kinh… tâm ý đạt đến hiểu biết, trở nên thanh tịnh không dơ bẩn, tâm sáng thấy được chân lý, đạt tới trình độ không gì là không biết, các loài trời, rồng và quỷ mị không thể nào đánh lừa được. Đạt được nhất thiền cũng như người có mười loại oán thù đã thoát ly thân thuộc, một mình ở trên núi chẳng ai hay biết, không còn sợ ai. Vì xa lìa được tính dục mà nội tâm vắng lặng.

Phương Pháp Nhị Thiền: như người đã thoát ly oán thù tìm tới chốn thâm sơn để cư trú nhưng còn sợ oán thù có thể tìm tới, kẻ hành giả tuy đã xa mười thứ dục tình nhưng còn sợ những thứ này tìm theo để lung lạc chí hành đạo của mình. Vì vậy kẻ hành giả không nên vui cái vui đã dùng thiện để diệt ác, thiện tiến thì ác lui; bởi cái vui này là mầm của sự lo sợ. Phải diệt trừ quan niệm thiện ác chống nhau, do đó ý niệm vui và sợ đều tiêu diệt, mười điều ác tuyệt dứt, không còn ngoại duyên nào có thể tới xâm nhập tâm mình. Cũng như khi ở trên đỉnh núi cao thì không còn dòng nước nào có thể làm cho mình bị ngập lụt, cũng không sợ mưa và rồng làm cho chìm đắm. Chính là từ đỉnh núi đó mà các dòng suối lưu xuất; từ sự hành đạo này mà các điều thiện do tâm xuất hiện và điều ác không còn do đâu phát sinh được nữa.

Phương Pháp Tam Thiền: Giữ gìn tâm ý một cách kiên cố, cả thiện và ác cũng đều không thâm nhập được, tâm an ổn như núi Tu Di; từ bên trong thiện cũng không phát xuất mà từ bên ngoài thiện, ác và tịch diệt cũng không xâm nhập được. Tâm như hoa sen, rễ hoa trong bùn, khi hoa chưa mọc thì còn bị lấp dưới nước. Người thực hành tam thiền thanh tịnh như hoa, lìa xa ác niệm, cả thân và tâm đều an ổn, để hướng về tứ thiền.

Phương Pháp Tứ Thiền: Tới đây cả thiện và ác đều bỏ, tâm không nhớ ác; trong tâm yên và sáng như ngọc lưu ly; như nàng công chúa tự tắm gội và lấy hương thơm ướp mình, mặc xiêm y mới. Bồ Tát khi đã đạt được tứ thiền thì các loại tà cấu không còn làm hư tệ tâm minh… Đạt được tứ thiền thì muốn gì cũng được, phi hành nhẹ nhàng trên không, đi dưới nước, phân tâm tán thể, biến hóa vạn cách, ra vào không ngăn cách, tồn vong tự do, có cả mặt trời, mặt trăng, động tới cả thiên địa, đắc nhất thiết trí…”

Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận cuốn 1 trang 80-82

Tâm vốn vô hình vô tướng nó mênh mang sâu thẳm không cùng tận, nó là nguồn cội khiến ta lăn lóc trong luân hồi sanh tử, nhưng cũng là mấu chốt quan trọng để từ đó ta vượt thoát, ngoài tâm ra thì không có gì để ngộ cả. ” Mục tiêu duy nhất của Thiền là khiến ta có đủ khả năng để hiểu, thực hiện và toàn thiện tâm của mình “.Thiền giúp ta an tịnh phát sinh trí huệ, phá vỡ vô minh hiển bày tự tánh. Sự giác ngộ trong mỗi người không ai giống ai, ngộ là ngộ chính cái tâm nầy, cái tâm thuộc về ta, và khi ngộ là ngộ về điều gì, tâm cảnh, năng tri sở tri, đối tượng nhận thức. Giác ngộ như thế nào, nhiều hay ít, duy trì được lâu hay mau, tất cả đều do ta làm chủ quyết định. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, con đường tu tập, đều trở về với bản thể Chân Như, Phật Tánh, Giác Ngộ, một sự giải thoát trọn vẹn và an lạc, viên dung vô ngại trên từng hiện hữu. Một khi thông đạt nó bùng lên vỡ ra, quyện vào nhau hoà nhập làm một, ngộ từ trong tận cùng bản chất của những hiển hiện vượt thoát, ngộ không là gì cả nhưng nó là tất cả, tất cả là nó. Và giác ngộ cũng là giác ngộ nơi tâm của mình, chứ không do ta mời gọi chạy theo bên ngoài đuổi bắt mới có được. Nó ở sẵn trong ta từ vô lượng kiếp, do vì mãi vui mãi khổ mãi luân hồi trôi nỗi, nên ta quên mất. Khi nào biết dừng lại, biết lau chùi phủi sạch bụi trần nó sẽ hiện ra tuyệt vời, soi sáng màn đêm tăm tối của vô minh, thấy được bến bờ sinh tử.

Mật

Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi ( ? – 594 ) trú ở chùa Pháp Vân dịch Kinh Tổng Trì cuốn kinh Mật Giáo đầu tiên ở Việt Nam. Trước khi sang Trung Hoa, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã nghiên cứu về Bát Nhã, Thiền Học. Đó là (Kinh Tượng Đầu) ngài đã dịch sang tiếng Trung Hoa và Mật Giáo ( Kinh Tổng Trì ) dịch ở Việt Nam. ” Ta nên biết Mật Giáo có liên hệ mật thiết với thiền tông. Tỳ Ni Đa Lưu Chi là một trong những người đã dùng danh từ Tâm Ấn sớm nhất trong lịch sử thiền, mà danh từ này đã xuất phát từ các kinh điển Mật Giáo. Kinh Đại Nhật, kinh căn bản của mật tông, nói như sau về tâm ấn ” đối với mọi lời giáo huấn của Phật không gì là không nắm được tinh yếu; nếu có thể giữ gìn được tâm ấn ấy để mở rộng tất cả các pháp môn, đó gọi là người đã thông đạt được tam thừa”. Tâm ấn ở đây là tinh yếu mật ý của kinh Đại Nhật.” Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận cuốn 1 trang 119.

Chúng ta nhớ khi ngài A Nan bị nạn Ma Đăng Già, trên đỉnh đầu Phật phóng ra hào quang, tuyên thuyết thần chú Lăng Nghiêm, nhờ oai lực thần chú ngài A Nan mới thoát nạn, sau đó ngài phát đại nguyện:

” Lạy Phật vì con chứng minh cho

Năm đời ác trược con nguyện bước vào trước

Nếu còn một chúng sanh chưa chứng quả

Cảnh niết bàn con đâu dám tự an “.

Năm đệ mười chú trong Kinh Lăng Nghiêm, trì tụng vào mỗi sáng sớm ở thiền môn, từng lời kinh thi nhau gõ nhịp trên bến bờ tử sinh, len lõi vào tận cùng tâm thức, công phá thành trì kiên cố của vô minh phiền não. Sự oai linh của thần chú giúp ta mau tiêu trừ chuyển đổi nghiệp chướng, nếu không nhờ oai lực gia bị của chư Phật, Bồ Tát, thì liệu mình có thoát ra dễ dàng không? Vô minh phiền não cùng với nghiệp lực sâu dày, ta đã kết tập từ vô lượng kiếp, không thể một sớm một chiều dứt ra được, nếu không nương vào công năng vi diệu của thần chú để phá vở chuyển hoá, thì sự huân tập tàng chứa trong ta càng thêm sâu dày, càng khó đọan trừ. Sự linh hiện của thần chú như liều nổ cực mạnh, liên tục phá vở tâm thức nghiệp quả nối kết, từ quá khứ đến hiện tại tương lai. Thần chú Lăng Nghiêm đã từng chuyển đổi, cứu độ được ngài A Nan, chúng ta trì tụng với tất cả sự nhất tâm kiên định, kết quả cũng sẽ được như thế. Một sự linh diệu bao phủ trong vô cùng không tận.

Tịnh

“Trong câu chuyện về Không Lộ, ta nghẹ nói đến việc thiền sư tạo nên tượng Phật A Di Đà của chùa Quỳnh Lâm. Không Lộ mất vào năm 1141 nhưng trước đó 100 năm, vào năm 1057, một tượng Phật A Di Đà bằng đá cao hai thước rưỡi tây đã được lang tướng của vua Lý Thánh Tông thực hiện tại núi Lạng Kha, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tượng Di Đà này vẫn còn ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Bia đá chùa Phật tích có nói về chuyện này. Vậy thì sự có mặt của giáo lý Tịnh Độ ở Việt Nam được đánh dấu chậm lắm vào khoảng giữa thế kỷ thứ mười một.”

Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 1 trang 184

Trong Khoá Hư Lục của Trần Thái Tông ( 1218- 1277 ) viết về: Niệm Phật Luận: (Bàn về niệm Phật)

” Niệm Phật là điều khởi dậy do tâm. Tâm khởi dậy điều thiện tức là ý nghĩ thiện. Ý nghĩ thiện khởi dậy thì thiện nghiệp báo lại. Tâm khởi dậy điều ác tức là ý nghĩ ác. Ý nghĩ ác nảy sinh thì ác nghiệp ứng theo. Như gương hiện ảnh, như bóng theo hình. Cho nên thiền sư Vĩnh Gia nói rằng: “Ai chẳng có điều nghĩ, ai chẳng có điều nảy sinh” là nói về việc đó.

Nay kẻ tu hành muốn khơi dậy ý nghĩ chân chính để dập tắc ba nghiệp, cũng là nhờ công niệm Phật vậy. Niệm Phật dập tắc được ba nghiệp là cớ sao?

Vì rằng trong lúc niệm Phật thân thẳng ngồi ngay, không làm việc tà, như vậy là tắc được nghiệp thân. Miệng tụng lời chân chính, không nói điều xằng bậy, thế là tắt được nghiệp miệng. Ý chăm chú ở sự tinh tiến, không nảy sinh ý nghĩ tà, thế là tắt được nghiệp ý. Nhưng kẻ trí có ba hạng. Bậc thượng trí thì tâm tức Phật, không phải nhờ thêm sự tu hành. Ý nghĩ là bụi trần không vướng một mảy. Ý nghĩ bụi trần vốn tịnh, cho nên nói ” Như như không động tức là thân Phật”. Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng. Tướng và tướng không phải là hai, lặng lẽ tồn tại hằng thường. Tồn tại mà không biết đó là Phật sống.

Bậc trung trí ắt nhờ vào niệm Phật. Chú ý tinh cần, luôn luôn niệm mà không quên thì tâm mình ắt tự thuần thiện. Ý nghĩ thiện đã hiện ra thì ý nghĩ ác sẽ bị tiêu tan; ý nghĩ ác đã bị tiêu tan thì chỉ còn ý nghĩ thiện. Dùng ý nghĩ mà ý thức về ý nghĩ thì mọi ý nghĩ đều bị diệt hết. Khi ý nghĩ đã bị tiêu diệt ắt trở về chính đạo; lúc mệnh hết qua đời sẽ được niềm vui cõi niết bàn. ” thường lạc ngã tịnh” là đạo của Phật.

Kẻ hạ trí miệng chuyên cần niệm lời Phật, lòng mong thấy hình tướng Phật, thân nguyền sinh ở nước Phật, ngày đêm tu hành chăm chỉ, không thoái chí thay đổi, như vậy đến khi mệnh hết qua đời sẽ theo ý nghĩ thiện mà được sinh ở nước Phật; sau đó lãnh hội được chính pháp mà chư Phật nêu ra và chứng được bồ đề cũng được Phật quả.

Ba hạng trí ấy giác ngộ nông sâu khác nhau nhưng cái nhận được là một. Nhưng bậc thượng trí nói thì dễ, làm thì khó. Đời nay kẻ muốn theo mà học, vì không có thang bậc nâng đỡ nên hầu hết chỉ nhìn bờ rồi thoái lui, không đặt chân tới được. Bậc trung trí nếu có thể chăm chỉ tu hành như đã nói ở trên thì lập tức thành Phật. Nhược bằng chưa giác ngộ hoàn toàn, đã chết thì tùy theo nhân quả mà sinh trở lại trên đời để nhận nghiệp thiện báo ứng. Khi thiện báo đã hết, nếu không có người cảnh tỉnh, lại sẽ rơi vào xu hướng ác. Những người như thế thì cũng khó đắc đạo vậy. Kẻ hạ trí lấy ý nghĩ làm bậc, lấy sự tinh tiến làm thang, chú ý đến thiện duyên, nguyện sinh vào nước Phật. Nếu chuyên cần không mỏi, tâm tính thuần thục thì sau khi chết đi sẽ tùy theo điều ước mà được sinh vào nước Phật. Đã sinh ờ nước phật thì thân mình có mất đi đâu.

Nay kẻ tu hành đã nhận lấy thân, ắt ba nghiệp đều có. Thế mà không niệm Phật để cầu sinh vào nước Phật chẳng cũng khó sao! Như muốn niệm Phật, hãy lấy cách của kẻ hạ trí làm đầu. Sao vậy? Bởi vì có sự chú ý mà thôi. Ví như làm một toà lâu đài ba tầng mà không làm tầng dưới trước, đó là điều chưa từng có vậy.”

Đổ Văn Hỷ dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng, trang 85.

Nhờ thường xuyên niệm Phật ở mọi nơi chốn, hoàn cảnh, giúp ta liên tục kiềm chế tâm thức của mình, niệm ra tiếng hay niệm thầm đều được, phải bao gồm bốn điều kiện thiết yếu: rành rõ, tương ưng, chí thiết, nhiếp tâm. Rành rõ: Chữ và câu niệm Phật phải rõ ràng đầy đủ, không lộn lạo, đọc trại đi, đúng chữ đúng câu đúng nghĩa, sáu chữ hoặc bốn chữ. Tương ưng: Tiếng niệm Phật phát ra hiệp cùng với tâm, tiếng và tâm quyện với nhau, nhập vào nhau làm thành một, thân và tâm hiệp nhất, niệm đến khi không có tạp niệm xen vào, đạt được nhất tâm. Chí thiết: Tha thiết thành khẩn dồn tất cả tâm thành hướng về chư Phật, chư Bồ Tát, không phóng tâm buông ý miệng thì luôn niệm nhưng tâm chẳng tha thiết cầu mong khao khát. Nhiếp tâm: Đừng để tạp niệm xen vào gây xáo trôn, nếu xao lãng liền phải thâu lại, đừng để gián đoạn, đến khi đạt được nhất tâm, niệm phật cho đến khi tiếng niệm Phật vang dội mãi ở tâm mình không một phút giây gián đoạn, nhất tâm bất loạn, thâm nhập vào ” niệm phật tam muội “.

Điều đó giúp ta thực hành niệm Phật cho đúng pháp, nếu chỉ lo gắng sức niệm Phật để tính từng phút từng giây, niệm đưọc bao nhiêu tiếng, lạy được bao nhiêu lạy. Ta chỉ lo số lượng nhiều hay ít, trong khi niệm Phật cần có sự hợp nhất của tri hành, không khéo ta dùng tiếng niệm Phật đàn áp tâm thức của mình. Trong thuật ngữ của Thiền “dùng niệm để chế niệm” “niệm niệm chồng lên nhau” ” trên đầu chồng thêm một cái đầu khác “. Với một cái đầu nầy, cái tâm nầy mà ta đã nhọc nhằn đau khổ, dở sống dở chết, huống hồ gì ta gắn tới hai cái đầu, ta không còn hơi còn sức để mà tu mà chứng mà kiểm soát. Như thế, ta trấn áp tâm của mình, nhốt nó vào, chứ không biết cách chế ngự điều phục, một khi nó thoát ra thì hậu quả vô cùng nguy hại. Ta không thể đi đến đích một cách vất vả hụt hơi rũi ro như thế, khi làm một việc gì nếu vượt qua sự cho phép của tâm sinh lý, thường thì không có kết qủa như ý. Hoặc lần lựa chờ đợi thời gian lẫn không gian cho phép, khi thân tứ đại bệnh tật thường xuyên réo gọi, thì lại càng không nên. Điều đó tạo cho ta tâm lý uể oải chán chường, không đủ năng lực cùng sự minh mẫn, như thế làm sao ta có thể duy trì sự tu tập một cách thường hằng không gián đoạn? Trong ba nghiệp thân khẩu ý, nếu khẩu luôn niệm Phật, thân thường xuyên lạy Phật, nhưng ý lăng xăng không thâu tóm, không đạt được nhất niệm, thì con đường đi tới cực lạc còn xa vời vợi.

Con đường giải thoát

Đừng đàn áp đè nén mình một cách vô ích, đừng o bế tấm thân tứ đại nầy một cách quá đáng, ta cần nó cho cả một hành trình tu chứng, vấn đề là ở chổ sự tu tập quán chiếu hành trì của ta có liên tục hay không, có đi đúng đường, phù hợp với chân lý hay không? Con đường trung đạo rất lý tưởng với tất cả chúng ta, con đường ấy không đàn áp cưỡng chế một ai, tất cả là sự tự nguyện dấn thân, nguyện thực hành giáo pháp vô thượng của đức Phật, nguyện dứt bỏ phiền não tham sân si, rời xa vô minh tiến đến giải thoát. Một khi đã tự nguyện thì tại sao lại phải cưỡng cầu áp chế mình một cách không cần thiết? Không nhất thiết chạy một cách vất vả hụt hơi như thế, rồi chư Phật Bồ tát thương tình đưa mình về nơi giải thoát, mà phải tự mình đi tự mình tìm đến, thấy được cảnh giới ấy nơi mỗi chúng ta bây giờ và ở đây. Không chờ khi ta nhắm mắt xuôi tay, kẻ khác tấn phong nó mới xuất hiện. Lỡ như lúc ấy nó không hiện, liệu mình có sống thêm được một lần nữa để tiếp tục tu không? Không khéo ta nổ lực hụt hơi mà con đuờng giác ngộ càng ngày càng xa, đi mãi vẫn không thấy đâu là bến bờ.

Con đường để đi đến giác ngộ, không phải một sớm một chiều và ai cũng tới được bờ kia,. Tất cả mọi pháp môn tu tập cuối cùng đều quy về một mối, như bao nhiêu nhánh sông dù xuất phát từ đâu, chảy qua bao nhiêu đặm đường qua bao nhiêu núi đồi thung lũng cuối cùng đều đổ về biển cả. Khi nào tâm ta dung chứa tất cả, không môt lời hằn học than vãn, như biển như sông chỉ nhận và cho, như mặt nước hồ an tịnh, dù bóng con nhạn có bay qua, nước chưa một lần thủy chung ôm giữ, ” nhạn bay trên không, bóng chìm đáy nước, nhạn không có ý để lại dấu tích, nước không cố ý lưu giữ bóng hình.” . Ta đừng chạy theo phong trào, chạy theo xu hướng, cứ vâng theo lời Phật dạy, chư Tổ để lại, chuyên cần tinh tấn tu tập, phát sinh trí huệ đoạn trừ vô minh bừng lên giác ngộ. Nếu ta cứ mãi lăng xăng vọng động, thấy chổ nào đông người, pháp môn nào rầm rộ thì lao mình tới, rốt cuộc khiến ta tốn công nhọc lòng. Ta phải biết không có pháp môn nào hơn pháp môn nào, chỉ có phù hợp thích hợp với căn cơ của ta không? Nếu có khác biệt là do sự dụng công của mỗi người có sâu có dày, có mau có chậm, nó thuộc về mỗi chúng ta, chứ không do phương pháp ấy hay dỡ, thấp cao.

Trong việc đọc tụng kinh điển, phần nhiều chúng ta thường xuyên xử dụng đến âm Hán ngữ, trong khi thế hệ chúng ta không còn bao nhiêu người hiểu được. Có lẽ đã đến lúc chúng ta chấm dứt sự không cần thiết ấy, xử dụng hoàn toàn tiếng Việt trong những khoá lễ, đừng để cho tập quán cố hữu mà ta huân tập trưởng thành chi phối, đừng để mình trôi mãi về với quá khứ, nhập nhằng lẫn lộn với hiện tại. Một khi chấm dứt sự pha trộn ấy thì đa số quần chúng sẽ dễ dàng tiếp cận lời Phật dạy một cách sâu xa. Hầu hết kinh điển đã được dịch sang tiếng Việt, nhưng trong việc hướng dẫn quần chúng ta thường thờ ơ, không hoàn toàn xử dụng đến. Nếu chúng ta tụng lời Phật dạy bằng tiếng Việt, thì lời kinh sẽ thấm sâu vào trong tâm hồn của ta rõ ràng trong sáng hơn. Chúng ta tán thán chư Phật, lời xưng tán ấy vang đọng mãi trong tâm ta. Nó không còn mù mờ lôi kéo dẫn dắt tâm thức ta rơi vào sự tưởng chừng, mày mò đoán nghĩa đoán ý kinh, như thế ta thâu ngắn đươc chặng đường, hiểu biết và vâng giữ lời Phật dạy một cách rõ ràng minh bạch, giúp ích cho sự tu tập của mình một cách thiết thực, đem lại nhiều lợi lạc. Có như thế con đường đi đến giác ngộ mới thênh thang rộng mở.

Thông thường khi cầu an, ta tụng kinh Phổ Môn, cầu siêu ta tụng kinh A Di Dà, nhưng khi đại chúng không có nhu cầu về cầu siêu, cầu an, hoặc khi có những buổi lễ mang tính công cộng, thì kinh nào ngắn gọn nghĩa lý rõ ràng để ta tụng vào những dịp như thế? Kinh Tám Điều Giác Ngộ, nhắc nhở cảnh tỉnh ta nổ lực tu tập để đi đến giải thoát, giúp ta nhận rõ bản chất của sinh tử để tìm phương vượt thoát.

Kinh Tám Điều Giác Ngộ của hàng Bồ Tát ( Kinh Bát Đại Nhân Giác)

Kinh tám điều người trên hiểu biết
Con Phật thời nên hết đêm ngày
Dốc lòng tụng niệm không ngơi
Tám điều hiểu biết của người bậc trên.

Thứ nhất biết thế gian không chắc
Hiểu rõ ràng cõi nước yếu nguy
Thân này nào có ra chi
Đất nước gió lửa hợp về lại tan
Luống những chịu muôn ngàn đau khổ
Năm uổng không còn có mình sao
Khác nào như cảnh chiêm bao
Biến thiên sinh diệt ai nào chủ trương
Lòng này chính là nguồn độc ác
Đem thân ra gánh vác tội tình
Nay đà xem xét cho rành
Dần dần xa lánh tử sinh có ngày.

Điều thứ hai ta đây hiểu biết
Tham muốn nhiều chỉ mệt mà thôi
Chết đi sống lại bao đời
Tham là gốc khổ mấy người tỉnh đâu
Ham muốn ít không cầu cạnh mấy
Thân tâm đều tự tại tiêu dao.

Điều thứ ba rõ trước sau
Lòng không chán đủ tham cầu không ngơi
Gây nên tội tầy trời tầy bể
Bồ Tát không như thế bao giờ
Biết vừa nên chẳng cầu dư
Phận nghèo giữ đạo sớm trưa an nhàn
Cốt sao cho trí khôn sáng tỏ.

Điều thứ tư cũng rõ gót đầu
Biếng lười sa xuống vực sâu
Nên cần cố gắng để cầu tiến lên
Phá sạch hết điều phiền não trước
Bốn con ma dẹp hết là xong
Ngục u tối thoát khỏi vòng.

Thứ năm biết rõ thủy chung muôn loài
Phần nhiều những sống say chết ngủ
Bồ Tát thường lấy đó làm lo
Tu hành chẳng quản công phu
Nghe nhiều học rộng cốt cho thành tài
Trí tuệ lớn vẹn đầy sau trước
Dạy muôn loài đều được an vui.

Sáu là hiểu rõ đầu đuôi
Nghèo cùng khổ não lắm người thù riêng
Thường mắc phải ác duyên hoạnh họa
Bồ Tát cho khắp cả muôn loài
Một niềm bình đẳng không hai
Oán thân như một lòng đầy Từ Bi
Điều xấu cũ không hề vướng vít
Kẻ xấu xa chẳng ghét không chê.

Thứ bảy biết ngủ nghê ăn uống
Danh sắc tài ham muốn là nguy
Dù chưa thay đổi hình nghi
Còn là người tục chẳng mê thói đời
Áo Bát Pháp đêm ngày tưởng nhớ
Theo đạo mầu chí cố xuất gia
Giữ gìn trong ngọc trắng ngà
Nết thanh cao giữ thật là thanh cao
Lòng Từ Bi lúc nào cũng đủ.

Thứ tám là biết rõ tử sinh
Khác nào lửa cháy bên thành
Chứa chan khổ não nghĩ tình sót thương
Mở lòng rộng tìm đường cứu vớt
Thay muôn loài chịu hết đắng cay
Khiến cho hết thảy mọi loài
Đều cùng giải thoát tháng ngày yên vui.

Tám việc ấy là nơi chư Phật
Cùng các ngài Bồ Tát Đại Nhân
Đều cùng hiểu rõ nguồn cơn
Từ Bi, Trí Tuệ sửa tròn trước sau
Làm việc đạo bấy lâu tinh tiến
Thuyền pháp thân chở đến Niết Bàn
Là nơi thư tĩnh an nhàn
Lại về cõi khổ cứu mang mọi loài
Tám việc trước ta nay hiểu biết
Mở đường ra cho hết thẩy đi
Khiến bao loài trước ngu si
Biết bỏ điều ác xa lìa khổ đau
Theo đạo chính tận tâm tu tập
Nếu quả là con Phật tụng đây
Trong khi nghĩ tám việc này
Bao nhiêu tội lỗi tức thời sạch ngay
Đạo Bồ Đề thẳng tới nơi
Lên ngôi Chính Giác đời đời yên vui.

Hoà Thượng Thích Tuệ Hải dịch

Con đường dấn thân

Bồ Tát khi hoá độ chúng sanh, phải hiện thân tướng cùng cảnh ngộ của người đó mới mong dẫn dắt cho họ. Còn chúng ta lo chạy theo cảnh bám theo tướng nên quên mất bản tâm, sợ quả chứ không sợ nhân, khi nó lù lù xuất hiện thì hoảng kinh bối rối, không biết phương nào chống đở, chỉ biết than trời trách đất đỗ lỗi cho số phận nghiệp quả. Ta gieo hạt mầm xuống đất, khi đủ bốn yếu tố: đất, nước, gió, lửa, nó tự động nẫy mầm. Ta tỉnh thức an lạc thì khổ nào làm ta suy chuyển, ta tích luỹ thiện nghiệp thì ác nào đến, cứ thế ta huân tập năm nầy đến kiếp nọ, phút nầy đến giây nọ, không sớm thì muộn, kiếp nầy không xong kiếp lai sinh thế nào ta cũng được giải thoát. Bốn mươi tám lời phát nguyện của Đức Phật A Di Dà, độ hết thảy chúng sanh mới ở ngôi chánh giác, còn ta có phát nguyện theo gót ngài không? Ta lắc đầu không chịu, nghiệp lực mãi lôi mãi cuốn, cho dù thuyền bát nhã đến trước mặt, ta vẫn không đủ sức mà leo lên, chứ chưa nói ta có cơ hội thấy được hay không?

Trong Đạo Phật ý niệm cầu xin ban bố ân sủng thần quyền, không có và không tồn tại, chỉ có sự phát nguyện nổ lực tu tập để đến nơi an lạc thường tịnh. Con đường đi đến giải thoát, tự mình thâm chứng trải nghiệm, không một đấng toàn năng vạn năng nào, có thể thi ân ban bố hay gánh chiụ nghiệp quả tác tạo của ta từ vô lượng kiếp. Luật nhân quả cho ta thấy, không một ai có đủ thẩm quyền cùng năng lực làm được điều đó, dù họ tự xưng hay chúng ta tự phong là đấng tối cao. Đó chỉ là sự ru ngũ, lừa dối lũng đoạn ta mà thôi, chỉ có chính ta mới đủ thẩm quyền quyết định. Đó là năng lực phát tiết, từ sự nổ lực thực tu thực chứng của chình mình, tạo sự tương duyên cảm hoá, mở tung sự liên kết giữa mình với vũ trụ, từ con người đến muôn loài, tiểu ngã hoà nhập vào đại ngã. Muốn tới được ta phải tỉnh thức tu tập, hành thâm quán chiếu vào tận cùng bản thể, duy trì giác ngộ một cách liên tục thường hằng không gián đoạn, không một sát na nào xao lãng. Như thế vô minh, phiền não tham sân si không nhảy vào gây rối, ta mới thảnh thơi trên mọi lối đi về. Đi đâu đến đâu về đâu ở đâu đều do ta định đoạt.

Điều ưu tư trăn trở cấp thiết nhứt trong ta đó là chấm dứt khổ đau, sanh tử, đạt giác ngộ tỉnh thức trong từng phút từng giây, để sự thuần khiết an tịnh ngự trị trong từng sát na của sự sống. Ta phải làm một cuộc cách mạng thay đổi thân tâm, chuyển đổi thói hư tật xấu của mình, thay thế tất cả những huân tập tích chứa từ trước, để cho bản năng cũ con người cũ ấy biến mất, làm lại con người mới tâm thức mới, con người hoàn toàn tỉnh thức. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tâm cảnh, nội ngoại, khi tâm thức nổi dậy điều gì ta phải nhận biết ra điều ấy ngay, cứ liên tục như thế con người củ ấy tự động chuyển hoá biến mất. Cũng như đến một lúc nào đó, một lứa tuổi nào đó, bổng nhiên tâm sinh lý của mình đột nhiên biến đổi, một cách nhanh chóng lạ thường. Nếu ta biết nắm lấy cơ hội, nắm lấy giây phút ấy, bằng mọi cách làm lại mới chính ta, hãy để tứ đại làm việc của tứ đại, thay đổi cách nhìn thay đổi quan niệm sống sao cho phù hợp với chánh pháp, với tuệ giác vô thượng của chư Phật. Nhờ biết làm lại, biết thay đổi, biết quán chiếu duy trì sự tỉnh thức, như thế ta mới huân tập được những gì tốt đẹp, ích lợi hơn.

Khi muốn thanh lọc điều gì đó trong cơ thể, những nhà chuyên môn thường bắt buộc ta phải sút ruột, phải dùng thuốc để tống khứ cặn bả ra ngoài. Còn trong tâm thức, ta dùng gì để thanh tẩy để tỉnh thức giác ngộ được hiện ra? Giác ngộ không phải tiến trình kỳ bí khó có thể xảy ra, khi ta tập trung quán chiếu liên tục một vấn đề gì, khi đủ cơ duyên tức khắc nó bùng vỡ ra, giây phút tuyệt vời đó là giác ngộ. Có người nhọc nhằn tốn công hao sức nhưng vẫn chưa đạt, có người nhờ huân tập từ trước, đủ duyên tức khắc giác ngộ. Cũng giống như khi ta đang sống trong một gia đình, ông bà cha mẹ là những người biết tu tập, thường xuyên tụng kinh niệm Phật, hướng dẫn con cháu sống theo lời chư Phật chư Tổ dạy, luôn sống trong hạnh phúc an lạc, không ít thì nhiều môi trường sống lành mạnh ấy tác động trực tiếp đến con cái. Theo thống kê những gia đình nào, cha mẹ đổ vỡ không hoà thuận đưa đến ly hôn, phần nhiều con cái những gia đình ấy, khổ đau nhiều hơn, do sự bun nhiễm họ sẽ trở thành như cha mẹ họ trong tương lai. Bởi lẽ hạnh phúc là sự nổ lực đánh đổi mới có, biết dâng hiến hy sinh, nó không phải là thứ ta kêu gào năn nĩ mời gọi thì đến. Chỉ có vô thường đau khổ sinh tử đến hẹn lại lên, cho dù ta lắc đầu xua đuổi trốn chạy nó vẫn lù lù xuất hiện, khiến ta quên ăn bỏ ngũ tìm mọi phương kế loại trừ, nhưng lúc nào ta cũng đành bất lực. Nếu ta biết quán chiếu lẽ vô thường sanh diệt, biết áp dụng lời Phật dạy để tu, thay vì chờ đợi nó đến, tại sao mình không chuẩn bị thật tốt để sống chung với nó? Ta an nhiên bình tĩnh không lo sợ, duyên đến cứ thế mà đến, duyên đi cứ thế mà đi.

Thay vì lắc đầu trốn chạy, bây giờ ta biết hoan hỷ đón nhận, thay vì lo sợ bậy giờ ta ung dung nhẹ bước, thay vì van xin đau khổ, bây giờ ta biết an lạc trong sự hoan hỷ tuyệt vời . Hạnh phúc thật gần mà cũng thật xa, xa hay gần là do ta có thay đổi cách sống sự sống hay không, thay đổi tầm nhìn suy nghĩ, thói hư tật xấu, rũ sạch phiền muộn đớn đau bằng sự nhận thức giác ngộ, như thế an lạc hạnh phúc nào rời xa vòng tay ta? Chỉ có điều đó ta mới thoát ly ra ngoài sinh tử, còn không sẽ chìm dài dài chìm xuống mãi mãi. Khi đề cập đến ngộ, ta phải nhận thức được mình ngộ điều gì, nhờ quán chiếu, tham cứu thoại đầu, công án, ngồi thiền, niệm Phật, ngộ từ nơi cuộc đời, tâm cảnh, về tam tạng kinh điển?. Có nhiều loại giác ngộ, nhưng bản chất của giác ngộ thì chỉ có một, đó là phá vở bức tường ngăn ngại của vô minh để ánh sáng của tự tánh, Phật tánh được dịp bùng lên. Làm sao để ta liên tục gìn giữ một cách thường hằng miên viễn?

Chúng ta đang sống trong một môi trường kỷ thuật hiện đại, mọi thứ đều vượt trội. Vì thế tâm thức của ta bây giờ nó khôn ngoan mưu mô xảo quyệt hơn nhiều, cảnh giới cùng chiêu thức của nó qủy quyệt tối tân, ta không thể dùng phương thức củ, thông thường mà nhận biết dễ dàng được, nó càng vi tế ranh mãnh ta càng khó trị, tốn hao nhiều năng lực tâm lực. Khi trình độ hiểu biết càng cao, sự tích lũy trong ta càng lớn, chặng đường phá vở chuyển hoá nó cũng gian nan, không kém gì chặng đường để ta có được những thành quả đó. Nhưng bù lại khi ta tỉnh thức, nhận chân ra được vấn đề, thì nó rộng lớn bao phủ, rõ nét sáng suốt tinh tường hơn, chổ ngộ sở đắc cũng cao hơn tuyệt vời hơn. Một khi tâm thức của mình đến được chỗ nào, thì khi giác ngộ là ta giác ngộ được giai tầng ấy.

Vô Minh đẩy ta trôi lăn trong sinh tử, ái dục khiến ta lẩn quẩn trong luân hồi, không phút giây nào thức tỉnh, hết chìm lại nổi, hết khổ lại vui, cứ mãi lận đận trong muôn nẽo sáu đường. Một người đang bị bệnh tật khổ đau hành hạ, đang sống trong cảnh khổ trói buộc phủ vây, đang nằm trên giường bệnh tranh đấu với sống chết, hoặc đang lê bước kiếm sống trên từng nẽo đường cô quạnh, cái ăn cái mặc thiếu thốn trăm bề. Nhưng nếu nhận biết thì trong Tứ Diệu Đế ( Khổ, Tập, Diệt, Đạo) họ đang ở chặng đường thứ hai, nhờ sống trãi nghiệm với khổ đau nên có kinh nghiệm thật qúi báu, từ thân đến tâm thọ khổ, một khi có sự nhận thức về khổ đau, không ai hơn họ được, khi họ biết quán chiếu về vô thường, nhân quả nghiệp lực thâm sâu, thì họ hơn ta, hơn những người không có dịp nhận ra đâu là bản chất thật của nó, do vì tìm cầu hướng vọng ở bên ngoài nên lúc nào cũng quên, vô minh tham sân si được dịp tuôn trào sai sử. Còn ta dù đầy đủ về vật chất, bệnh tật chưa có dịp đến gần ghé qua thăm viếng, nhưng lúc nào cũng lo kiếm thêm cho dư cho thừa, không những lo cho mình mà cả con cháu về sau nữa. Cuối cùng tất cả đều bị thời gian, đinh luật vô thường thành trụ hoai diệt tàn phá không chút tiếc thương, đến đi cũng chỉ hai bàn tay trắng, với chủng tử đong đầy nghiệp quả, cứ thế lênh đênh luân hồi trong bể khổ. Đâu là bến mê bờ giác, trong chuổi dài liên kết vô tận ấy?

Bên cạnh cạnh sự vô thường sanh diệt ấy, còn có chân thường, vô sinh vô diệt, vô khứ lai, vấn đề là ta từ đâu đến thì trở về nơi ấy, hoặc sáng hoặc tối do ở cõi lòng ta tâm ta. Nếu ta biết chuẩn bị nổ lực tu tập tinh thức ngay từ bây giờ thì lúc ấy ta không còn lo sợ hụt hẩng. Đi với một hành trang và tâm trạng như thế nào đều do ta định đoạt.

” Chúng sanh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp
Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch
Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học
Phật đạo không gì hơn, thệ nguyện được viên thành “.